- Liên đoàn bóng đá Châu Âu UEFA yêu cầu cầu thủ không gạt sản phẩm của nhà tài trợ khỏi bàn họp báo 18-06-2021
- 5 công trình có hình dạng đồ gia dụng 21-06-2021
- Đội tuyển Việt Nam sẽ nhận thưởng 8 tỷ đồng 21-06-2021
- Kính bảo hộ cao cấp ASIA - trợ thủ đắc lực bảo vệ người dân trong đại dịch 02-07-2021
- Vẻ điển trai của Beckham làm lu mờ trận Anh đại thắng Đức ở Euro 2020 02-07-2021
Một số công ty lữ hành cho biết tour du lịch nước ngoài (outbound) ngắn ngày đến Singapore, Thái Lan hay Dubai (UAE)... được nhiều khách Việt lựa chọn cho kỳ nghỉ 30/4 sắp tới.
"Người Việt đang dần thoải mái hơn với việc du lịch nước ngoài, có xu hướng tìm đến các thành phố lớn cho chuyến đi", bà Hermione Joye, Giám đốc mảng Du lịch, Google châu Á - Thái Bình Dương nhận định.
Trái lại, thị trường inbound (khách nước ngoài du lịch Việt Nam) không mấy sôi động. Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho biết nhiều khách hàng nước ngoài của công ty phàn nàn việc tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam khá khó do quảng bá chưa mạnh. Từ đó, dẫn đến việc du khách cũng cân nhắc khi chọn Việt Nam hay các nước khác trong khu vực.
Các thành phố lớn hút khách Việt
Sau khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch hoàn toàn, các đường bay thương mại nối lại, quy định nhập cảnh tại nhiều quốc gia có phần thông thoáng, việc du lịch nước ngoài dần trở nên dễ dàng hơn.
Theo thống kê từ Google Travel, người Việt Nam đang dần thoải mái hơn với việc đi du lịch nước ngoài. Vào tháng 1, ý định đi du lịch nước ngoài của người Việt chỉ bằng 25% so với mức năm 2019. Con số này đã tăng gấp đôi lên 50% vào tháng 3.
Dubai là một trong những điểm đến được khách Việt ưa chuộng trong thời gian này. Ảnh: Unsplash.
Các thành phố lớn như Singapore, Bangkok (Thái Lan), Dubai (UAE), Paris (Pháp), Osaka (Nhật Bản), New Delhi (Ấn Độ) dẫn đầu xu hướng tìm kiếm của du khách Việt khi lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài.
Thị trường du lịch outbound rục rịch trở lại từ tháng 2. Sang tháng 4, nhiều du khách đã có lên kế hoạch du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ lễ cuối tháng.
Đại diện Saigontourist nhận định nhu cầu du lịch nước ngoài của khách Việt đang cao và thủ tục nhập cảnh ở nhiều điểm đến cũng thuận tiện. Công ty lữ hành này ghi nhận được lượng lớn khách đặt chuyến đi nước ngoài trong dịp lễ. Công ty đã chốt được 60 đoàn khách Việt đi Mỹ, Dubai, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan vào cuối tháng 4.
Với Vietravel, các tour du lịch Thái Lan, Dubai (UAE) của công ty "đắt hàng" trong thời gian qua. Tour đi Singapore cũng được nhiều du khách đăng ký mua khi đảo quốc sư tử nới lỏng các chính sách nhập cảnh với người đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing công ty BestPrice, chia sẻ nhu cầu du lịch nước ngoài của khách Việt đang tăng cao. Các tour châu Âu, châu Mỹ, Australia được đông đảo du khách quan tâm. Tour đi Dubai, Singapore, Thái Lan cũng ghi nhận nhiều lượt đăng ký trong thời gian này.
Khách nước ngoài đến Việt Nam nhỏ giọt
Trái ngược thị trường outbound sôi động, không khí khách quốc tế du lịch Việt Nam có phần ảm đạm.
Theo ông Phạm Hà, việc mở cửa du lịch của Việt Nam nhanh chóng nhưng thiếu hành động thực tế, khiến việc đón khách quốc tế gặp khó khăn.
Ông Hà cho biết nhiều khách quốc tế của công ty than phiền việc tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam còn khó. Khách thường phân vân chọn du lịch Việt Nam hay các nước khác trong khu vực.
Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng chính sách chưa cởi mở nên lượng khách nước ngoài còn hạn chế. Ảnh: Hanap wanderlust.
Ở Đông Nam Á, nhu cầu du lịch từ khách quốc tế (inbound) chứng kiến sự hồi phục nhanh chóng tại nhiều quốc gia, bà Hermione Joye nhận định. Thị trường đang được nhiều du khách tìm kiếm nhất là Philippines và Indonesia, với con số gần cán mốc như trước dịch. Trong khi đó, Việt Nam cùng Thái Lan và Malaysia nằm trong nhóm nước có lượng tìm kiếm và phục hồi du lịch inbound ở mức tương đối, theo đại diện Google.
Thực tế tại Việt Nam, không ít công ty lữ hành cho biết vẫn đang đón lượng khách quốc tế nhỏ giọt. Đại diện công ty Amo Travel, đơn vị chuyên đón khách quốc tế cho biết dù mở cửa hơn một tháng nhưng mới chỉ đón 5 khách từ Italy. Có nhiều đoàn khách từ chối mua tour vì chính visa tại Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Hà, việc du khách quốc tế ngại đến Việt Nam thời điểm này là do có 4 vấn đề cần tháo gỡ gồm chính sách, chất lượng nguồn lực, sản phẩm du lịch hấp dẫn và xúc tiến du lịch hiệu quả.
"Nếu giải quyết được những vấn đề trên, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực", ông Hà nhấn mạnh.
Tiềm năng du lịch inbound của Việt Nam cũng được thể hiện qua số liệu từ trang tìm kiếm hàng đầu thế giới. Theo đó, các du khách đến từ Mỹ, Australia, Pháp, Singapore, Nhật Bản có nhu cầu du lịch tại Việt Nam cao. TP.HCM và Hà Nội là những điểm đến hàng đầu.